Gia Cát Lượng không hề bị liệt chân, vậy tại sao khi ra trận ông luôn ngồi xe lăn? Hé lộ bí mật ẩn sau, thông minh đến mức khiến ai nấy phải tâm phục khẩu phục

Gia Cát Lượng là cánh tay phải đắc lực của Lưu Bị, được mời ba lần mới ra giúp nước. Ông tận tụy phụ tá hai triều Thục Hán, "thân chết mỏi mới thôi". Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng vẫn tiếp tục cầm quân chinh chiến và đặc biệt thường xuyên xuất hiện với hình ảnh ngồi trên một chiếc xe lăn.
Gia Cát Lượng hoàn toàn khỏe mạnh nhưng lại chọn ngồi xe lăn ra trận (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, điều đáng nói là đôi chân của ông hoàn toàn lành lặn, không hề bị tật. Việc lựa chọn một phương tiện di chuyển tưởng chừng bất tiện như vậy trên chiến trường không thể là điều ngẫu nhiên. Ẩn sau đó là tính toán sâu xa, thể hiện trí tuệ đáng nể của vị quân sư trứ danh.
Không phải "xe lăn", mà là "tố dư" - cỗ xe bốn bánh có chủ đích
Gia Cát Lượng trong lịch sử và tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa luôn là biểu tượng của trí tuệ và mưu lược. Ông không chỉ nổi tiếng với những mưu kế như "mượn tên bằng thuyền cỏ", "không thành kế", mà còn là nhà phát minh với các sáng chế như "mộc ngưu lưu mã" (dụng cụ vận chuyển) hay "liên nỗ" (nỏ liên hoàn).
Chiếc xe lăn mà Gia Cát Lượng sử dụng thực chất là 'tố dư" hay còn gọi là "tố xa" - một dạng xe bốn bánh nhỏ, do ông tự cải tiến. Dù không có chức năng chiến đấu và cần người đẩy, nhưng việc ông chọn phương tiện này lại có nhiều dụng ý chính trị và tâm lý sâu sắc.
Lý do chính trị: Thể hiện chính danh, tôn vinh Hán thất
Sau khi Lưu Bị xưng đế với danh nghĩa hậu duệ Hán thất, Gia Cát Lượng giữ vai trò trụ cột, mang sứ mệnh phục hưng nhà Hán. Trái ngược với Tào Tháo nắm thiên tử để hiệu lệnh chư hầu, Gia Cát Lượng đại diện cho chính nghĩa.
Chiếc "tố dư" vốn thường dùng trong tang lễ, Gia Cát Lượng sử dụng nó khi chinh phạt Trung Nguyên như một cách tưởng niệm Hán thất đã suy vong, thể hiện lòng trung trinh và chính danh của Thục Hán. Đây là thông điệp đầy tính biểu tượng, khơi gợi lòng trung thành và sự đồng cảm của dân chúng, đồng thời củng cố vị thế đạo đức của phe Thục trong cuộc chiến với Ngụy.
Lý do tâm lý: Đòn đánh vào tâm trí địch, nâng cao sĩ khí
Gia Cát Lượng là bậc thầy về "tâm lý chiến". Việc ông xuất hiện trên chiến trường trong tư thế ngồi xe, ung dung phe phẩy quạt lông, không chỉ tạo cảm giác mọi việc đã nằm trong tính toán, mà còn là đòn đánh vào tâm lý địch.
Kẻ thù như Tư Mã Ý vốn rất kiêng dè Gia Cát Lượng, dù đối mặt với một người ngồi xe như thể đã tàn tật, vẫn không dám manh động. Ông tạo ra ảo tưởng rằng mình đã suy yếu, khiến địch chủ quan và chần chừ.
Mặt khác, hình ảnh Gia Cát Lượng tự nguyện ngồi vào vị trí bất lợi nhất - phương tiện không thể chạy trốn khi nguy hiểm như lời thề sống chết cùng quân đội. Sự can trường và quyết tâm của ông chính là nguồn động lực to lớn, nâng cao sĩ khí toàn quân.
Đây là chiến thuật giống như "phá thuyền đoạn lương", khiến binh sĩ không còn đường lui, từ đó chiến đấu hết mình để bảo vệ chủ soái.
Lý do sức khỏe: "Xuất sư vị tiệp thân tiên tử"
Dù chân không tật, nhưng không thể phủ nhận Gia Cát Lượng là người lao tâm quá độ. Suốt nhiều năm lo việc nước, việc quân, trí tuệ và sức lực của ông đã dần cạn kiệt.
Khi thực hiện Bắc phạt, ông đã lớn tuổi, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Việc thường xuyên ngồi xe cũng là cách giúp ông bảo toàn thể lực, tiếp tục làm việc trong điều kiện cơ thể suy nhược. Sử sách cũng ghi nhận ông "đèn cạn dầu hết lửa" mà qua đời, cho thấy thể trạng đã rất yếu.
Gia Cát Lượng được người đời tôn xưng là "thần nhân" không chỉ vì trí tuệ siêu phàm mà còn vì khả năng dùng người, dụng binh, và đặc biệt là dụng tâm.
Từng bước đi, từng hành động của ông kể cả việc ngồi xe lăn ra trận đều mang dụng ý chiến lược sâu sắc. Đó là sự kết hợp giữa biểu tượng chính trị, tác động tâm lý và yêu cầu thực tế.
Cả đời Gia Cát Lượng phò tá Thục Hán, đến lúc "dầu cạn đèn tắt" vẫn còn tính kế cho hậu sự. Một con người như vậy, lấy thiên hạ làm trách nhiệm, lấy trung nghĩa làm thước đo dù thắng hay bại, vẫn xứng đáng lưu danh muôn đời.


