Áp dụng điểm hiệu chỉnh từ năm 2025 để bảo đảm công bằng tuyển sinh

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được tổ chức với mục tiêu đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, và đặc biệt là phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã nhận được sự vào cuộc sâu sát và chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo thông tin thông suốt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.
Về đề thi, công tác ra đề được thực hiện nghiêm túc, an toàn và bảo mật, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu, đề thi các bài thi/môn thi đã bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và đúng cấu trúc định dạng đã công bố. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được chuẩn bị đầy đủ, nhân lực tham gia được huy động đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, với tất cả cán bộ được tập huấn kỹ lưỡng và đạt kết quả cao trong các bài sát hạch. Kế hoạch trước, trong và sau kỳ thi cũng được xây dựng rõ ràng, chi tiết, có tính đến các kịch bản xử lý tình huống bất thường. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đã tích cực thông tin, tuyên truyền, phản ánh hiệu quả về tình hình kỳ thi.
Việc áp dụng điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi khiến công tác tuyển sinh thực hiện công bằng hơn (Ảnh minh hoạ)
Một trong những điểm nhấn quan trọng của kỳ thi từ năm 2025 là việc Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi. Việc này không chỉ nhằm đảm bảo công bằng trong công tác tuyển sinh mà còn phục vụ việc đánh giá chất lượng đề thi, kỳ thi và công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc.
Đại diện Bộ GD&ĐT giải thích thêm: "Điểm hiệu chỉnh cho phép đánh giá khách quan mức độ tiến bộ của từng môn khi so sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp các môn khác nhau trong cùng địa phương. Điều này rất quan trọng để xác định sự công bằng trong tuyển sinh, cũng như giúp các địa phương đánh giá đúng hơn về chất lượng giảng dạy của mình".
Bộ GD&ĐT cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.
(Ảnh minh hoạ)
Song song với đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá theo hướng tích hợp liên môn, gắn với thực tế, nhằm giúp học sinh làm quen với việc đánh giá theo định hướng năng lực.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc triển khai chấm thi tự luận, trắc nghiệm và phúc khảo bài thi sẽ được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ. Riêng các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tuân thủ nghiêm Công văn hướng dẫn số 2999. Công tác củng cố hạ tầng công nghệ thông tin cũng được tăng cường để đảm bảo việc công bố kết quả thi diễn ra thuận lợi vào 08h00 ngày 16/7/2025.
Cuối cùng, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các nhà trường đổi mới toàn diện phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.


