Số lượng bệnh viện gấp 5 lần Singapore

Theo thông tin từ VOH online – Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, hệ thống y tế mới của TP. Hồ Chí Minh sở hữu 164 bệnh viện, hơn 9.000 phòng khám chuyên khoa, 351 phòng khám đa khoa và gần 50.000 giường bệnh. Mạng lưới y tế tư nhân cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ với trên 15.000 cơ sở kinh doanh dược, nhà thuốc.

Để có cái nhìn so sánh, theo số liệu từ Bộ Y tế Singapore (cập nhật tháng 3/2025), quốc đảo này hiện có tổng cộng 31 bệnh viện các loại, bao gồm 20 bệnh viện cấp cứu, 1 bệnh viện tâm thần và 10 bệnh viện cộng đồng. Như vậy, số lượng bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập đã nhiều gấp hơn 5,2 lần so với Singapore.

TPHCM, thành phố có hệ thống y tế lớn nhất Việt Nam

TP.HCM sau sáp nhập có hệ thống y tế được đánh giá là lớn nhất cả nước

Việc sáp nhập không chỉ mở rộng quy mô địa giới hành chính từ 2.095 km2 lên 6.772 km2 và tăng dân số từ 9.9 triệu lên hơn 13.7 triệu người, mà còn có những tác động đáng kể đến cơ cấu y tế. Số giường bệnh đã tăng từ 41.525 lên 49.147, tuy nhiên, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân giảm từ 41.7 xuống còn 31.3 (chỉ tiêu phấn đấu là 42 giường bệnh/vạn dân). Tương tự, số bác sĩ tăng từ 20.727 lên 24.629, nhưng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân giảm từ 20.8 xuống còn 13.08 (chỉ tiêu phấn đấu là 21 bác sĩ/vạn dân). Tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân cũng giảm từ 37 xuống còn 29 (chỉ tiêu phấn đấu là 39 điều dưỡng/vạn dân).

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh dự báo, với quy mô mới, số lượt khám và điều trị sẽ tăng mạnh. Lượt khám bệnh ngoại trú dự kiến tăng từ 42 triệu lên 51 triệu lượt mỗi năm, trong khi lượt điều trị nội trú có thể tăng từ 2,2 triệu lên hơn 3,8 triệu lượt/năm. Trên quy mô toàn quốc, TP. Hồ Chí Minh sẽ đảm nhận hơn 30% tổng số lượt khám ngoại trú và hơn 23% lượt điều trị nội trú.

TPHCM, thành phố có hệ thống y tế lớn nhất Việt Nam

Bệnh viện Truyền máu - huyết học nằm trong cụm y tế Tân Kiên (TPHCM)

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: "Hệ thống y tế mới đa dạng về loại hình và số lượng các cơ sở tăng lên, cùng với quy mô địa bàn mở rộng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý của ngành y tế, đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý thống nhất, linh hoạt và hiện đại”. Ông cũng cho biết, ngành y tế sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị điều hành, phân bổ hợp lý nguồn lực, tăng cường kết nối giữa các tuyến và cơ sở y tế. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của người dân thành phố trong giai đoạn mới.

Việc hợp nhất này không chỉ là bài toán hành chính mà còn là bước ngoặt để nâng tầm ngành y tế, đặc biệt khi nhiều chuyên khoa tại thành phố đã đạt trình độ ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và thế giới, nổi bật ở các lĩnh vực như tim mạch can thiệp, ung bướu, ghép tạng, IVF. TP. Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vị thế không chỉ là đầu tàu kinh tế mà còn là "trái tim y tế" của cả nước.

Like
Love
Haha
3
Nâng cấp lên Pro
Chọn gói phù hợp với bạn
Đọc Thêm