Hàng loạt quy định giáo dục quan trọng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, cấp xã sẽ tổ chức thi giáo viên dạy giỏi

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 12/2025/TT-BGDĐT về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương 2 cấp đối với lĩnh vực nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025.
Điểm nhấn nổi bật nhất là việc trao quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền cấp xã, cùng với việc tinh gọn các quy định, hứa hẹn tạo ra môi trường giáo dục linh hoạt và hiệu quả hơn.
Phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền cấp xã
Trước đây, việc tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, hay giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi thường thuộc thẩm quyền của Phòng GD&ĐT (cấp huyện). Tuy nhiên, theo Thông tư 12/2025/TT-BGDĐT, thẩm quyền này đã được chuyển giao hoàn toàn cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.
Không chỉ dừng lại ở các hội thi, Thông tư còn trao thêm quyền cho UBND cấp xã trong nhiều khía cạnh khác của công tác quản lý nhà giáo.
Trong đó, với quản lý giáo viên mầm non, nhiều quy định về chế độ làm việc của giáo viên mầm non trước đây thuộc thẩm quyền của cấp huyện nay được chuyển về cấp xã.
Ảnh minh họa.
Thông tư còn quy định những thẩm quyền trong việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn cũng được chuyển tương tự từ cấp huyện về cấp xã.
Cụm từ "cấp huyện" được thay bằng "cấp xã" trong các thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập.
Về tiêu chuẩn khen thưởng, "giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên" và "giấy khen từ cấp huyện trở lên" nay được thay thế bằng "giáo viên dạy giỏi từ cấp xã trở lên" và "giấy khen từ cấp xã trở lên" trong các bản mô tả vị trí việc làm giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Ngoài ra, cấp xã còn nhận thêm chức năng thẩm quyền của cấp huyện trước đây đối với quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh.
Trong chế độ làm việc giáo viên phổ thông, dự bị đại học được điều chỉnh thẩm quyền của "UBND cấp huyện" và "Trưởng phòng GD&ĐT" nay thuộc về "UBND cấp xã" và "Chủ tịch UBND cấp xã".
Sở GD&ĐT thêm trọng trách lớn
Bên cạnh sự phân quyền mạnh mẽ cho cấp xã, Sở GD&ĐT vẫn giữ vai trò then chốt trong việc quản lý và phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Theo Thông tư mới, Sở GD&ĐT sẽ phụ trách những nội dung quan trọng như: Thẩm quyền đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; Thẩm quyền lựa chọn giáo viên phổ thông, mầm non cốt cán.
Ngoài ra, thông tư cũng tinh gọn quy định, bãi bỏ những điều khoản không còn phù hợp nhằm hợp lý hóa quy trình, tránh sự chồng chéo.
Thông tư 12/2025/TT-BGDĐT áp dụng đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Ảnh minh họa.
Trước đó, tại công văn số 1581 hồi tháng 5 vừa qua, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện rà soát, xác định các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục cấp huyện đang thực hiện để điều chỉnh chuyển về cấp tỉnh (Sở GD&ĐT) hay UBND xã quản lý.
Bộ đề nghị các tỉnh thành thực hiện các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục hoạt động bình thường, thông suốt, liên tục không gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Các nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục phải được giao cho cơ quan chuyên môn có đủ năng lực, nhằm bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quyết định vị trí việc làm, định mức tài chính, giao biên chế và phân bổ ngân sách cho ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Việc phân cấp cần được thực hiện theo hướng mạnh mẽ nhưng không buông lỏng quản lý; bảo đảm không bỏ sót, không chia cắt hoặc gián đoạn các nội dung quản lý chuyên môn và điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, việc quản lý nhà nước đối với các nội dung chuyên môn, công tác tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái và phát triển đội ngũ nhà giáo cần được giao cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở GD&ĐT) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh. Điều này nhằm bảo đảm sự điều tiết chung, xử lý kịp thời tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các địa phương.


