Ăn tỏi trong thời gian dài giúp giảm 34% nguy cơ tử vong vì ung thư dạ dày, thật hay chỉ là lời đồn?

Một người đàn ông 56 tuổi, từng chứng kiến cha mình qua đời vì ung thư dạ dày, luôn sống trong nỗi lo lắng về căn bệnh này. Dù đã nội soi dạ dày nhiều lần và kết quả bình thường, ông vẫn không yên tâm. Vì nghe nói tỏi chứa allicin - một chất có khả năng kháng khuẩn và tiêu diệt tế bào ung thư, ông quyết định ăn sống tỏi hàng ngày để phòng tránh ung thư.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, ông buộc phải dừng lại vì xuất hiện các triệu chứng như đau dạ dày, ợ chua và nóng rát vùng thượng vị. Không những không phòng bệnh, cách làm này còn gây hại cho sức khỏe.
Liệu ăn tỏi có thực sự giúp ngừa ung thư dạ dày?
Nghiên cứu 22 năm từ Đại học Bắc Kinh hé lộ sự thật
Một nghiên cứu do nhóm chuyên gia Đại học Bắc Kinh thực hiện, được công bố trên Tạp chí Y học Anh (BMJ), đã theo dõi suốt 22,3 năm (1995 - 2017) với 3.365 tình nguyện viên từ huyện Lâm Khẩu - nơi có tỷ lệ ung thư dạ dày cao tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).
Trong đó, 2.258 người có kết quả dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư dạ dày. Những người tham gia được chia ngẫu nhiên thành 4 nhóm: nhóm điều trị HP, nhóm bổ sung vitamin, nhóm dùng giả dược và nhóm bổ sung tỏi.
Kết quả cho thấy:
- Nhóm điều trị HP: nguy cơ mắc ung thư dạ dày giảm 52%, nguy cơ tử vong do ung thư dạ dày giảm 38%.
- Nhóm bổ sung vitamin: nguy cơ mắc giảm 36%, nguy cơ tử vong giảm 52%.
- Nhóm bổ sung tỏi: không ghi nhận hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh, nhưng nguy cơ tử vong do ung thư dạ dày giảm 34%.
Như vậy, tỏi có thể hỗ trợ giảm tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày, nhưng không giúp ngăn ngừa bệnh phát sinh.
Nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh cho thấy bổ sung tỏi giúp giảm 34% nguy cơ tử vong do ung thư dạ dày, nhưng không ngăn ngừa bệnh.
Hiểu đúng về allicin trong tỏi
Hoạt chất allicin chỉ được tạo ra khi tỏi được nghiền nát hoặc đập dập, giúp enzym alliinase và alliin tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, nếu tỏi bị nấu chín, hoạt chất này sẽ không được hình thành.
Nhiều người nhầm tưởng ăn tỏi sống sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn HP - yếu tố nguy cơ chính gây ung thư dạ dày. Trên thực tế, allicin chỉ có khả năng ức chế, không thể tiêu diệt hoàn toàn HP như các phác đồ y tế đặc hiệu.
Hơn nữa, ăn nhiều tỏi sống gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dễ dẫn đến các vấn đề tiêu hóa. Các bác sĩ không khuyến khích cách ăn này như một phương pháp dự phòng bệnh.
Chuyên gia khuyến cáo không nên lạm dụng tỏi sống vì có thể gây hại cho dạ dày.
Phòng ngừa ung thư dạ dày: Cần khoa học, không mù quáng
Các chuyên gia khuyến cáo để phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả, người dân cần tuân thủ các nguyên tắc khoa học:
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Tránh các thực phẩm ướp muối, hun khói, nướng cháy, chiên rán nhiều dầu mỡ. Ăn uống đủ chất, đúng giờ, không bỏ bữa sáng, hạn chế ăn khuya.
- Giữ lối sống điều độ: Ngủ đúng giờ, tránh thức khuya kéo dài vì nó sẽ làm suy giảm miễn dịch và tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Nói không với rượu bia và thuốc lá: Cả hai đều là chất gây ung thư đã được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận.
- Tầm soát định kỳ bằng nội soi dạ dày: Đặc biệt quan trọng với người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày hoặc nhiễm HP, giúp phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư.
Kết luận: Tỏi không phải "thần dược" phòng ung thư. Mặc dù có lợi ích nhất định nếu dùng đúng cách, nhưng lạm dụng, đặc biệt là ăn sống quá nhiều, có thể gây hại cho chính dạ dày. Phòng ngừa ung thư cần dựa trên nền tảng khoa học, không chạy theo tin đồn hay bí quyết truyền miệng chưa được kiểm chứng.


