Hơn 10 triệu tài khoản tiền di động tại Việt Nam sắp có thay đổi lớn

Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money) - Quyết định số 316/QĐ-TTg sau hơn 03 năm triển khai đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, dịch vụ Mobile-Money đang được các đơn vị tổ chức triển khai theo hình thức thí điểm với căn cứ là Quyết định số 316/QĐ-TTg, do đó, để chính thức đưa dịch vụ này chính thức trở thành một hình thức thanh toán hợp pháp, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho dịch vụ này bằng một Nghị định, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với ngôn ngữ thuần việt, NHNN đề xuất chỉnh sửa lại tên dự thảo Nghị định thành: "Nghị định quy định về dịch vụ Tiền di động", dịch vụ Mobile-Money (tên gọi dịch vụ trong giai đoạn thí điểm) là dịch vụ Tiền di động.

Đáng chú ý, theo Dự thảo Nghị định, NHNN dự kiến sẽ tăng mạnh hạn mức sử dụng dịch vụ này. Hiện nay, hạn mức sử dụng dịch vụ Mobile-Money không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile- Money cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

tài khoản tiền di động, thay đổi tài khoản tiền di động

Ảnh minh hoạ

Theo dự thảo, NHNN dự kiến tổng hạn mức giao dịch qua các tài khoản Tiền di động của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ Tiền di động (bao gồm giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán theo quy định tại Điều 9 Nghị định này tối đa là 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong một tháng. Quy định tại này không áp dụng đối với các giao dịch thanh toán: Thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; điện; nước; viễn thông; các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ; học phí; viện phí; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí bảo hiểm theo quy định tại; chi trả các khoản nợ đến hạn, quá hạn, lãi và các chi phí phát sinh cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, Nghị định cũng sẽ nêu rõ yêu cầu về việc sử dụng và quản lý tài khoản đảm bảo thanh toán: Tổ chức cung ứng dịch vụ Tiền di động phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn tổng số dư tất cả các tài khoản Tiền di động đã phát hành cho khách hàng tại cùng một thời điểm.

Bên cạnh đó, Nghị định sẽ quy định chi tiết về quy trình và thủ tục giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại, tranh chấp và các biện pháp đảm bảo an toàn.

NHNN cho biết, căn cứ báo cáo của 3 doanh nghiệp thực hiện thí điểm về phát triển khách hàng tính đến cuối tháng 12/2024, tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ Tiền di động là hơn 10,22 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản của khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 7,31 triệu tài khoản (chiếm khoảng 72% tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ). Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Tiền di động của khách hàng từ khi triển khai thí điểm lũy kế đến cuối tháng 12/2024 (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 193,89 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 6.435 tỷ đồng.

Theo đó, việc duy trì dịch vụ Tiền di động sẽ đảm bảo cho quá trình thanh toán được thông suốt, đáp ứng nhu cầu của hơn 10,22 triệu tài khoản Tiền di động của khách hàng đang sử dụng dịch vụ, đặc biệt là hơn 7,31 triệu tài khoản Tiền di động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam; đồng thời, duy trì một phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng tại các đơn vị chấp nhận thanh toán.

Like
Love
Haha
3
Upgrade to Pro
Alege planul care ți se potrivește
Citeste mai mult