Hàng nghìn người lao động ngoài 45 tuổi nhận được quyền lợi lớn từ BHXH

Điểm mới quan trọng nhất của Luật BHXH 2024 là việc rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Quy định này được đánh giá là đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm lao động bắt đầu tham gia BHXH muộn, ở độ tuổi từ 45-47 tuổi, hoặc những người làm việc không liên tục, có thời gian công tác ngắn do đặc thù ngành nghề.

Anh Đỗ Văn Khương, 47 tuổi, hiện đang sinh sống tại Mỹ Đình, Hà Nội, chia sẻ về sự thay đổi này: "Trước đây, tôi làm nhân viên kinh doanh tại một công ty xây lắp và đã đóng BHXH bắt buộc được 5 năm. Sau đó, tôi ra ngoài làm tự do nên không tham gia BHXH cho đến nay". Anh Khương cho biết, sáu năm trước, anh đã nhiều lần cân nhắc tham gia BHXH tự nguyện nhưng rồi lại thôi, vì cho rằng thời gian đóng tối thiểu 20 năm là quá dài.

BHXH, người lao động ngoài 45 tuổi, lương hưu

Từ 1/7/2025, hàng nghìn người ở độ tuổi từ 45-47 tuổi tham gia BHXH muộn, hoặc những người làm việc không liên tục, có thời gian công tác ngắn do đặc thù ngành nghề được hưởng quyền lợi cao chưa từng có (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, với chính sách bảo hiểm mới, anh Khương đã có những tính toán khác: "Giờ tôi chỉ cần tham gia BHXH thêm 10 năm nữa là được 15 năm, đủ điều kiện nhận lương hưu". Anh nhấn mạnh thêm: "Dù thời gian đóng không dài, mức hưởng có thể không cao, nhưng đó vẫn là khoản thu nhập ổn định, giúp tôi yên tâm hơn khi về già. Chưa kể, tham gia BHXH còn giúp giảm bớt gánh nặng viện phí nếu không may đau ốm, nhờ có thẻ BHYT hỗ trợ chi trả".

Trường hợp của anh Vũ Văn Nam, 41 tuổi, ở Nông Cống, Thanh Hóa, cũng cho thấy sự thay đổi tích cực. Anh Nam đã có 12 năm làm sĩ quan chuyên nghiệp, sau đó rút BHXH một lần vào năm 2020 do khó khăn kinh tế và cần vốn làm ăn. Nay khi cuộc sống đã ổn định hơn, anh Nam mong muốn tham gia BHXH tự nguyện trở lại để có lương hưu khi về già. "Theo luật mới, tôi vẫn còn đủ thời gian tham gia BHXH cho tới khi đủ tuổi nghỉ hưu", anh Nam chia sẻ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động tiền lương đánh giá, việc điều chỉnh giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu là một chính sách hợp lý và kịp thời, nhằm thích ứng với thực tế. "Người lao động có thêm động lực để tiếp tục tham gia hệ thống BHXH do mục tiêu hưởng lương hưu trở nên gần hơn, dễ đạt hơn", chuyên gia nhận định.

Chính sách này không chỉ giúp giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH mà còn nâng cao khả năng đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai. Đồng thời, nó giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và hạn chế nguy cơ nghèo đói khi người lao động bước vào tuổi già mà không có lương hưu.

BHXH, người lao động ngoài 45 tuổi, lương hưu

(Ảnh minh hoạ)

Thống kê cho thấy, trước đây, có khoảng 109.000 người đã rút BHXH một lần dù đã có thời gian đóng từ 15 năm trở lên. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn kinh tế, tâm lý muốn "rút cho chắc" hoặc thiếu niềm tin vào khả năng thụ hưởng lâu dài.

Theo nguồn tin từ VNN, dù Luật BHXH 2024 chưa chính thức có hiệu lực, nhưng ngay sau khi được Quốc hội thông qua, chính sách mới đã có những tác động tích cực đến tâm lý của người dân. Cụ thể, tính đến hết tháng 3 năm 2025, toàn quốc đã có hơn 267.000 người hưởng BHXH một lần, giảm gần 70.000 người, tương đương 26,17% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này cho thấy một tín hiệu đáng mừng về sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của người lao động đối với việc tham gia và duy trì BHXH.

Like
Love
Haha
3
Nâng cấp lên Pro
Chọn gói phù hợp với bạn
Đọc Thêm