Người trẻ dễ rơi vào trạng thái 'biết nhiều nhưng không biết làm gì' nếu sống quá lâu trong vùng an toàn

Ba hành trang thiết yếu cho người trẻ
Chia sẻ trên trang cá nhân, Shark Bình nhấn mạnh ước mơ là hành trang đầu tiên và quan trọng nhất của người trẻ. Ông cho rằng ước mơ chính là điểm khởi đầu cho mọi hành trình, dù có vẻ "viển vông" đến đâu ở giai đoạn ban đầu. Shark Bình đã tự mình minh chứng điều này khi còn là học sinh lớp 11, ông từng nhìn ra công trình xây dựng lớn ngoài cửa sổ và tự nhủ: "Ước gì sau này mình sẽ có một doanh nghiệp riêng, có trụ sở hoành tráng như nhà thi đấu đó". Chính sự "viển vông" ấy đã trở thành động lực âm ỉ, dẫn dắt ông kiên trì trên con đường khởi nghiệp.
Shark Nguyễn Hòa Bình
Hành trang thứ hai mà Shark Bình đề cập là đam mê. Theo ông, đam mê chính là nguồn năng lượng giúp người trẻ làm việc không biết mệt mỏi. Niềm đam mê với lập trình đã bén rễ với Shark Bình từ những năm cấp 3, giúp ông bền bỉ luyện tập, tham gia các cuộc thi và cuối cùng là khởi nghiệp với PeaceSoft. Ông tin tưởng rằng, khi đam mê gắn liền với nhu cầu xã hội, người trẻ hoàn toàn có thể sống tốt bằng chính niềm đam mê đó. "Đam mê khiến người ta làm nhiều, làm nhiều thì giỏi, giỏi rồi mới có thể thành công", Shark Bình khẳng định.
Cuối cùng, yếu tố không thể thiếu là dấn thân. Đây là tinh thần dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám thử, dám sai và dám chịu trách nhiệm. Shark Bình nhấn mạnh, chỉ khi người trẻ thực sự "dấn thân" vào hành động, họ mới có thể chạm đến những cơ hội thực sự và tạo ra bước ngoặt cho cuộc đời mình.
Ba điều người trẻ cần hiểu rõ trong kỷ nguyên mới
Bước ra từ những hành trang cần có, Shark Bình cũng chỉ ra ba điều mà người trẻ cần hiểu rõ để thích ứng với thời đại. Thứ nhất, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi mọi ngành nghề, người trẻ không thể bỏ qua việc hiểu và ứng dụng AI cùng tư duy Full Stack. Shark Bình khuyên người trẻ nên coi AI như một "trợ thủ" đắc lực giúp học nhanh hơn và làm tốt hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển tư duy tổng thể, biết kết nối đa lĩnh vực, làm chủ các công cụ hiện đại và linh hoạt thích ứng là điều cần thiết. Ông cho rằng bộ ba "tư duy hệ thống - kỹ năng công cụ - khả năng học nhanh" chính là lợi thế không thể thay thế trong kỷ nguyên mới.
Bài học thứ hai mà Shark Bình muốn truyền tải là học tập suốt đời. Ông ví von tấm bằng tốt nghiệp chỉ là "vạch xuất phát, không phải đích đến". Trong một thế giới biến động không ngừng, việc ngừng học đồng nghĩa với việc tụt lại phía sau. "Học nữa, học mãi" giờ đây không chỉ là một khẩu hiệu mà đã trở thành một yêu cầu sống còn.
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là lòng biết ơn. Shark Bình nhấn mạnh, thành công không bao giờ là một hành trình đơn độc. Đằng sau mỗi bước tiến là sự hy sinh thầm lặng của gia đình, thầy cô và cả môi trường đã nuôi dưỡng. Biết ơn những điều đó giúp người trẻ sống sâu sắc hơn, có trách nhiệm hơn và trưởng thành một cách vững vàng.
Bên cạnh những lời khuyên tích cực, Shark Bình cũng cảnh báo về một trong những chiếc bẫy lớn nhất mà người trẻ dễ dàng rơi vào: cái bẫy "con nhà giàu vượt sướng". Ông cho rằng khi mọi thứ đến quá dễ dàng, nội lực của con người sẽ bị bào mòn. Mặc dù xuất phát điểm tốt là một lợi thế, nhưng nếu sống quá lâu trong vùng an toàn, người trẻ rất dễ rơi vào trạng thái "biết nhiều nhưng không biết làm gì".
Shark Bình khẳng định, chỉ có nỗ lực thật sự từ bên trong mới là yếu tố giúp người trẻ có thể đi xa và đi lâu trên hành trình sự nghiệp của mình.


